“Chính tính khí của bộ phận nóng nảy và mê tín của nhân loại trong những vấn đề tôn giáo luôn luôn thích thú những điều huyền bí, và vì lý do này, họ thích nhất những gì họ ít hiểu nhất.”

                                                                                                                            Isaac Newton

“Tương lai của nền văn minh của chúng ta tùy thuộc vào sự truyền bá rộng rãi và sự bám sâu thói quen khoa học của tinh thần.”

                                                                                                                             John Dewey

Khoa học hiện đại, cũng như đại học, là sản phẩm độc nhất vô nhị của nền văn minh phương Tây không nơi nào khác có. Đó là điều vẫn còn làm ngạc nhiên với đầy cảm hứng cho những ai suy nghĩ về nó. Nếu nói rằng nền khoa học có cái nôi ở Hy Lạp cổ đại, điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Bởi vì, tuy Hy Lạp có một nền văn minh khoa học sáng chói hơn bất cứ nơi đâu, nhưng không phải nền văn minh đó đã phát triển suôn sẻ theo đường thẳng từ Cổ đại qua Trung cổ, đến Phục Hưng và Hiện đại, mà nó đã phải trải qua những giai đoạn chấn động, được “thương yêu và ghét bỏ”. Nhưng cuối cùng, những con người được lớn lên trong truyền thống yêu chân lý, đi tìm chân lý không khoan nhượng, luôn luôn gìn giữ lý tính trong sáng không để nó bị “mua chuộc” hay thối nát, đã khám phá ra được khoa học hiện đại.

Sự chấn động, cũng là khúc quanh lịch sử, đã diễn ra từng bước ở thế kỷ 16, và bùng phát vào thế kỷ 17. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, loại minh triết từng được chấp nhận cả ngàn năm của Aristote, Galen và Ptolemy đã trở thành những đối tượng chỉ trích nhiều nơi trên châu Âu. Giữa thế kỷ 16, hai tác phẩm quan trọng của Copernic về thiên văn (De Revolutionibus Orbis) và Vesalius về giải phẫu học (De Humani Corporis Fabrica) xuất hiện cùng một năm (1543) có thể xem như vén màn cho khoa học hiện đại xuất hiện. Tác dụng của những quan điểm mới này sẽ được cảm nhận ngày càng nhiều ở thế kỷ 17.

Với khoa học thực nghiệm phát triển, với các phương tiện quan sát phát triển, các nhà khoa học châu Âu dần dần đi đến kết luận ngược với thời cổ đại. Họ đi tìm và phát triển một ‘khoa học mới’. Từ 1600 đến 1638 một loạt sách xuất hiện đại biểu cho ngành khoa học mới và nhu cầu một phương pháp mới:

1600: William Gilbert, On the Magnet

1620: Francis Bacon, The New Organon, or True Direction Concerning the Interpreting of Nature

1620: Johannes Kepler, The New Astronomy

1626: Francis Bacon, The New Atlantis

1628: William Harvey, On the Motion of the Heart and Blood

1632: Galileo Galilei, Dialogue Concerning the Two Chief World Systems

1638: Galileo Galilei, Discourses on the Two New Sciences

Gilbert chỉ ra rằng cây kim la bàn sở dĩ luôn luôn chỉ về hướng Bắc là vì cả trái đất là một thanh nam châm khổng lồ. Francis Bacon cho rằng phương pháp diễn dịch của Aristote không thể tin được trong việc tìm hiểu tự nhiên, mà phải được thay bằng phương pháp quy nạp (inductive), và khoa học phải nghiên cứu tự nhiên bằng thực nghiệm, chứ không phải chỉ tư biện và siêu hình. Bacon làm một cuộc đoạn tuyệt triết học với triết học kinh viện Aristote, cũng như Descartes tiếp nối công việc sau đó. Nhược điểm của triết học này, theo Bacon, là chủ nghĩa suy diễn (deductive) và hình thức, tự đóng kín. Ông nói: nền khoa học đó “chỉ tạo ra thầy và trò, không tạo ra người khám phá, hay bất cứ ai có thể đóng góp thêm một cái gì đáng kể vào những khám phá đang có.”

Kepler, dựa trên các đo đạc công phu của Tycho Brahe, chứng minh rằng các quỹ đạo hành tinh không phải là vòng tròn lý tưởng cổ đại, mà là những hình elip quanh mặt trời. Harvey chứng minh, rằng ngược lại các lời dạy của Galen, các động mạch và tĩnh mạch không phải tách nhau ra mà làm thành một hệ thống liên kết để chuyển máu lưu thông dưới áp suất của tim đập. Galilei có nhiều khám phá làm nền tảng cho vật lý hiện đại, trong đó có định luật rơi tự do, nguyên lý tương đối, sự diễn giải thuyết nhật tâm của Copernic bằng những quan sát thiên văn từ viễn vọng kính tự tạo. Ông mở ra nền thiên văn viễn vọng kính.

 

 

Galileo Galilei (1564-1642)                        Isaac Newton (1642-1727)

 

 

Tranh khắc gỗ từ quyển sách L’atmosphère météorologique populaire của Camille Flammarion (1841-1925) cho thấy có người đã vượt khỏi thế giới quan Trung cổ để nhìn thấy cơ chế đích thực điều hành vũ trụ.

Để có khoa học hiện đại, các nhà khoa học cũng phải vượt qua bao nhiêu định kiến xã hội. Cuộc đấu tranh cho thế giới quan mới đồng nghĩa với đấu tranh cho tự do tư duy. Cho nên khoa học và tự do không phải tự nhiên mà có. Tranh minh họa Tòa án dị giáo đốt những “quyển sách cấm”. Tác giả: Pedro Berruguete (1450-1504), danh họa Tây Ban Nha.

Những khám phá lớn thế kỷ 17 phần lớn do thực nghiệm mà có, hay chịu ảnh hưởng của “triết lý thực nghiệm”, và toán  học, tạo thành cuộc cách mạng khoa học, diễn ra đều khắp Âu châu, mà Newton là cao điểm. Trước lúc khoa học xuất hiện, chỉ có hai cách đánh giá một ý tưởng mới, như Aristote giải thích, bằng phê phán tính logic nội tại của nó, hay bằng cách so sánh nó với các ý tưởng khác. Khoa học mở ra một cách thứ ba, là thử (test) những ý tưởng bằng thí nghiệm, và rút ra những câu trả lời từ tự nhiên. Phương pháp thực nghiệm cần phải mất một nghìn năm mới được phát hiện có vai trò quan trọng trong khoa học.

Immanuel Kant có một bình luận về cuộc Cách mạng khoa học được dư luận biết đến, đăng trong lời nói đầu lần xuất bản thứ hai của Phê phán lý tính thuần túy. Ông cho rằng với khái niệm và các phương pháp của khoa học được Galilei, Bacon và những người đương thời khác, “một ánh sáng mới chớp lên soi sáng cho các sinh viên khoa học tự nhiên”, và “việc nghiên cứu tự nhiên đã bước lên con đường của những phương pháp vững chắc của một nền khoa học, sau khi hàng thế kỷ không làm gì khác hơn là mò mẫm trong bóng tối.” Những gì xảy ra trong khoa học thế kỷ 17 là một cuộc “cách mạng lề lối tư duy”. Chương trình Bacon là nhằm chống lại “chủ nghĩa đế quốc triết học” (Joseph Ben-David).

Chưa có nền văn minh nào trên thế giới chịu sự một sự thay đổi sâu sắc như thế, văn minh Trung Hoa không, văn minh Hồi giáo cũng không, đó là những nền văn minh hùng mạnh nhất, tiến bộ nhất, giàu có nhất cho đến khoảng năm 1500. Cuộc cách mạng khoa học càng đặc biệt hơn nếu chúng ta biết rằng trong khi các nhà chính trị, quân sự ở châu Âu gây ra những cuộc chiến tranh tôn giáo tương tàn, phá hủy các quốc gia, thành phố, thì các nhà khoa học Âu châu đã âm thầm làm thay đổi cả một nề nếp tư duy khoa học và đặt nền tảng cho một nền khoa học mới tạo nên sự phồn vinh xã hội trong những thế kỷ tới.

Nhà sử học khoa học Ý, Paolo Rossi (1923-2012), đã mô tả sự ra đời của nền khoa học Âu châu như sau:

Tại châu Âu không có một địa danh nhất định nào mà ở đó một thực thể phức hệ hình thành ngày nay chúng ta gọi là Khoa học hiện đại. Châu Âu chính là cả địa danh đó. Chúng ta hãy nhớ lại một sự thật được biết rộng rãi: Copernic là một người Ba Lan, Bacon, Harvey và Newton là người Anh, Descartes, Fermat, Pascal người Pháp, Tycho Brahe người Đan Mạch, Paracelsus, Kepler và Leibniz người Đức, Huygens người Hà Lan, Galilei, Torricelli và Malpighi người Ý. Tất cả những người này đã đóng góp tạo ra một thế giới các ý tưởng trong đó không có biên giới, một nước cộng hòa các nhà học thuật. Họ nỗ lực tạo ra một không gian riêng biệt trong những điều kiện chính trị-xã hội luôn luôn khó khăn, thường đầy kịch tính, và đôi khi bi thảm.

Sự thoát ra khỏi hệ tư duy Aristotle là vô cùng khó khăn, bởi Aristotle đã thống trị dưới ‘ô dù’ của tôn giáo, hay đúng hơn, vì ô dù đó mà chủ nghĩa Aristote đã có vai trò thống trị lên nền học thuật ra đời cùng với hệ thống các trường đại học thời Trung cổ. Kitô giáo đã muốn tạo ra một “tôn giáo khoa học”, tham vọng của các người cha sáng lập nhà thờ, và vì thế họ đã làm một cuộc ‘hôn phối’ giữa tôn giáo và chủ nghĩa Aristote. Những gì Aristote nói đều được bảo chứng bởi nhà thờ, và ngược lại những giáo điều của nhà thờ thì theo họ đều được biện minh trước đó bởi Aristote. Một “cặp đôi hoàn hảo”. Quyền lực của nhà thờ là trải rộng trên toàn châu Âu và luôn luôn đe dọa những ý tưởng ‘dị giáo’. Giordano Bruno bị thiêu sống năm 1600, Galilei bị quản thúc suốt quãng đời còn lại. Không có quyển sách nào ra đời mà không bị tòa án dị giáo (inquisition) kiểm duyệt gắt gao. Cho nên sự thay đổi toàn bộ tư duy khoa học, thoát khỏi chủ nghĩa Aristotle và những giáo điều của nhà thờ, có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong lịch sử mà không ở đâu có. Giới trí thức Âu châu tuy hết sức dè dặt, lúc nào cũng diễn giải quyển sách của tự nhiên cũng là tác phẩm của Chúa, việc nghiên cứu tự nhiên cũng là theo ý Chúa, mà họ cũng mộ đạo thực sự, nhưng họ không để mình thối nát (corrupt) trong tư tưởng, lụn bại tinh thần trước quyền lực. Chân lý là cái họ luôn luôn đi tìm. Đó là đặc thù của trí thức Âu châu.

Ý nghĩa của cuộc cách mạng khoa học cho nên thật là to lớn, có không biết bao nhiêu bút mực được dành ra để hiểu hết sự kiện có một không hai này. Khoa học tự nhiên trở thành hệ hình tư duy cho triết học của một xã hội mở và đa dạng (Joseph Ben-David). Nhà sử học Herbert Butterfield (1900−1979) cho rằng “Bởi vì cuộc cách mạng khoa học này đã lật đổ quyền lực trong khoa học không những của thời trung cổ mà con cả thời cổ đại − vì nó không những kết thúc bằng sự làm lu mờ triết học kinh điển mà còn bằng sự hủy diệt vật lý Aristote − nó tỏa sáng lấn át hơn tất cả mọi thứ kể từ khi có mặt Kitô giáo, và giáng cấp Phục Hưng, Cải cách (Tin lành) xuống hàng chỉ còn là những hồi tình tiết (episodes), chỉ là những cuộc chuyển dịch nội giới trong hệ thống Kitô giáo Trung cổ.”

Cho đến thế kỷ 16, và đầu 17, không ai nghĩ rằng có tĩnh từ nào khác hơn là “ thuộc Kitô giáo” (Christian) để mô tả nền văn minh Âu châu. Nhưng vào cuối thế kỷ 17 tình hình không còn như thế nữa. Người ta bắt đầu nghiêng về khuynh hướng gọi là “khoa học”. Khoa học đã bắt đầu có xung lực vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 của thời kỳ Khai minh, các nhà trí thức đã quay sang khoa học để tìm cảm hứng, định hướng các tiêu chuẩn cho chân lý. Từ thời điểm này trở đi, Kitô giáo chạm trán nhiều vấn đề của cuộc sống, trong khi khoa học trở thành trọng tâm của cuộc sống hơn bao giờ hết, và “đảm nhiệm chiếc áo choàng mà Kitô giáo đã từng mặc trước đây”. Với sự hình thành khoa học hiện đại, như một trong những hệ quả trung tâm nhất của nó, thời đại của đức tin vô điều kiện sang trang đối với người Âu châu. Trong thế kỷ 17, dưới con mắt của các nhà lãnh đạo tư duy, thế giới từng làm mê hoặc của nhà thờ Trung cổ đã lung lay, thời đại của đức tin không lay chuyển đã suy yếu (Richard Westfall).

Cuộc cách mạng khoa học không phải là một hiện tượng riêng lẻ. Nhiều thay đổi khác diễn ra cùng một lúc, tất cả nhằm làm xói mòn nền tảng giáo điều của Kitô giáo. Tuy nhiên sự hình thành khoa học hiện đại chính là cái đã đối đầu trực diện với Kitô giáo trên nền tảng quan trọng nhất liên quan đến sự diễn giải thực tại (Westfall).

Đức tính của nhà khoa học được diễn tả bởi Giordano Bruno:

Ai mong muốn triết lý (philosophize) thì đầu tiên hết phải nghi ngờ tất cả mọi sự việc. Anh ta không được lấy lập trường trong một cuộc tranh luận trước khi lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, và xem xét, so sánh các lý do thuận và trái chiều. Anh ta không bao giờ phán quyết hay lấy một lập trường trên cơ sở những gì anh ta nghe, hay trên cơ sở ý kiến của số đông, của tuổi tác, công trạng, hay thanh thế của người diễn thuyết liên quan, mà anh ta phải hành động dưới sự thuyết phục của một học thuyết hữu cơ gắn bó với những sự việc thực tế, và với một sự thật có thể hiểu được dưới ánh sáng của lý tính (Giordano Bruno).

Descartes sau đó cũng có cùng quan điểm trong Các nguyên lý của Triết học: “Người đi tìm sự thật phải, một lần trong đời anh ta, nghi ngờ tất cả mọi thứ, càng sâu xa càng tốt.” Sự nghi ngờ các chân lý hiện có là một tiền đề của khoa học để phát triển.

Học giả lịch sử khoa học George Sarton (1884-1956) luôn luôn nhấn mạnh vai trò sợi chỉ hướng đạo của môn lịch sử khoa học trong giáo dục và lịch sử nhân loại, qua đó người ta “lần theo sự giải phóng từng bước tư tưởng con người khỏi tối tăm và định kiến, sự thiên khải từng bước của chân lý, cùng với những phản ứng con người trước chân lý đó.” “Hoạt động khoa học là hoạt động sáng tạo hàng đầu của nhân loại, không phải chỉ về mặt vật chất mà cả về tinh thần. Hãy nghĩ vũ trụ đã được mở rộng thế nào theo mọi hướng bởi các nhà thiên văn học, vật lý và sinh học. Khoảng cách to lớn làm sao giữa thế giới rất nhỏ bé của Sách sáng thế (Genesis) xoay quanh Vườn địa đàng và vũ trụ (bao la) được tạo ra bởi khoa học hiện đại.” Sự nghiên cứu lịch sử khoa học sẽ dạy nhà khoa học rằng anh ta phải khoan dung với người khác, bởi vì con đường của nhân loại trong hoàn cảnh tốt nhất vẫn là rất bất định (Sarton).

Theo Báo cáo nổi tiếng của Ủy ban (Đại học) Harvard, có tiêu đề Giáo dục tổng quát trong một xã hội tự do, được công bố năm 1945, “con người văn minh (civilized man) là một công dân của toàn vũ trụ; anh ta đã vượt ra khỏi chủ nghĩa địa phương tỉnh lẻ, và trở thành khán giả của mọi thời đại và sự tồn tại”. Một trong những lãnh vực mà Ủy ban Harvard cổ xúy để thực hiện mục đích của con người văn minh là lịch sử và triết học của khoa học, qua đó con người sẽ thu lượm được “không những các tri thức và kỹ năng đặc thù mà còn các mối quan hệ qua lại về mặt khái niệm, một thế giới quan, một quan điểm về con người và tri thức, những thứ gộp lại tạo nên triết học của khoa học.” Vì khoa học, như các nhà soạn thảo báo cáo viết, là cả hai, “kết quả và nguồn gốc của thói quen thiết lập những phán đoán khách quan, vô vị lợi dựa trên những chứng cứ chính xác.”

Henri Poincaré, nhà toán học vĩ đại Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ra sức bảo vệ khoa học một cách thẳng thắn từ một góc nhìn nhân văn khác: “Không có, và sẽ không bao giờ có đạo đức khoa học (scientific ethics) trong nghĩa chặt chẽ; nhưng khoa học có thể là một sự trợ giúp cho đạo đức một cách gián tiếp. Khoa học được hiểu theo nghĩa rộng không thể nào không giúp đạo đức; chỉ có loại ngụy khoa học mới là điều nên sợ. […] Đạo đức và khoa học, khi cả hai phát triển, chắc chắn sẽ thích nghi lẫn nhau. Khoa học giữ chúng ta luôn ở trong mối liên hệ với cái gì lớn hơn chính chúng ta; nó mở ra cho chúng ta một cảnh tượng luôn luôn đổi mới và mở rộng bao la. Đằng sau viễn tượng lớn nó đem lại cho chúng ta, nó còn dẫn dắt chúng ta linh cảm một cái gì lớn hơn; cảnh tượng này là một niềm vui đối với chúng ta, nhưng cũng là niềm vui mà trong đó chúng ta quên đi bản thân mình, và do đó được trong sáng về đạo đức.”

Ông bảo vệ lý tưởng khoa học cao cả trước những cái tầm thường của cuộc sống: “Với những bất cập của chúng ta, sự cao quý của lý tưởng (khoa học) chúng ta sẽ gìn giữ và bảo vệ chúng ta. Chúng ta có thể thích một cái khác, nhưng xét cho cùng, chẳng phải Chúa của nhà khoa học càng vĩ đại hơn khi Ngài càng rời xa chúng ta hơn hay sao? Đúng là Ngài không uyển chuyển, và nhiều tâm hồn sẽ buồn vì đó; nhưng ít nhất Ngài không chia sẻ những cái vụn vặt và những sự hiềm thù nhỏ nhoi như Chúa của các nhà thần học thường làm.”

Nhìn lại khoa học hơn hai nghìn năm từ thời Khai minh Iona, Hy Lạp, chúng ta thấy, ánh sáng tinh thần khoa học có thể tàn lụi trước những thế “lực lượng phủ định” thời đại, sự mất mát kéo dài cả ngàn năm, xã hội sống trong tăm tối, nhưng cuối cùng tinh thần khoa học đã bừng dậy và chiến thắng, phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đại thư viện Alexandria của học thuật trong thời Hy lạp hóa có thể bị những người cuồng tín đốt phá tan tành, nhưng rồi khoa học, học thuật không biến mất mãi mãi mà sống lại sau những giai đoạn thăng trầm hơn một ngàn năm, hàng trăm, hàng ngàn thư viện mới ra đời phủ kín các quốc gia phát triển thế giới. Đại học xuất hiện và là mái nhà để khoa học phát triển.

Sự phát triển khoa học, và người anh em của nó là công nghệ, có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển quốc gia, đúng như những lời tiên tri của Francis Bacon đưa ra trong những tác phẩm của ông đầu thế kỷ 17. Nhà vật lý hạt Mỹ I. I. Rabi (1898-1988) giải Nobel và là một học giả nhân văn diễn tả một cách đầy kịch tính điều này:

Trong những nước gọi là lạc hậu, chúng ta thấy một sự cứng nhắc của tổ chức chính trị và/ hay học thuyết tôn giáo, cả hai đối kháng lại tinh thần của tiến bộ khoa học. Thật là một sự mỉa mai của lịch sử, rằng các trung tâm vĩ đại của các nền văn hóa thời cổ đại − Ai cập, Mesopotamia, Ba Tư (Persia), Trung Hoa, Nam Ý, Hy Lạp − bây giờ là những quốc gia lạc hậu, trong khi các vùng đất cư trú của những người hoang dã một thời đắm chìm trong dốt nát và mê tín, chỉ có một kỹ thuật thô sơ − những quốc gia như thế, chẳng hạn Anh quốc, Scandinavia, Đức, Mỹ, và ngay cả những vùng thảo nguyên của Nga − ngày nay là những quốc gia công nghiệp phát triển lớn. Bài học lịch sử trong những trường hợp này dường như là, ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua tiến hóa của khoa học và công nghệ phải rớt lại sau xa hơn. Sự thất bại của những quốc gia lạc hậu này là sự thất bại của họ trong việc thích nghi bản thân họ với khoa học và công nghệ. Người ta không thể, dường như thế, thích nghi khoa học và công nghệ vào một nền văn hóa, bởi vì những thứ đó là những điều kiện để một nền văn hóa phải thích nghi; chúng định dạng định mệnh con người, mặc dù bản thân chúng được làm ra bởi ý chí và tinh thần con người. Khoa học và công nghiệp là cách mạng trong bản chất; chúng không đơm hoa trong một xã hội bị cưỡng bức vào một cái khuôn ỳ.

Những dòng này, và lời nói của Newton về “tính khí của bộ phận nóng nảy và mê tín của nhân loại trong những vấn đề tôn giáo luôn luôn thích thú những điều huyền bí, và vì lý do này, họ thích nhất những gì họ ít hiểu nhất” là những lời cảnh báo cho những dân tộc nào chỉ thích vùi mình vào những thói quen truyền thống yêu thích huyền bí, thần bí, mê tín hơn là lý tính sáng sủa của khoa học.

Hoàng đế Napoleon một lần thổ lộ với người hầu cận Fontanes của mình: “Ngươi có biết điều gì làm ta kinh ngạc nhất thế giới này không? Đó là sự bất lực của sức mạnh để tổ chức bất cứ cái gì. Chỉ có hai lực lượng trên thế giới này: lưỡi gươm và tri thức, và về dài hạn lưỡi gươm luôn luôn bị tri thức đánh bại.” Đó có lẽ sự xác nhận can đảm và hùng hồn nhất về vai trò của tri thức, của khoa học từ một người từng có quyền lực lớn nhất.

Napoleon cũng nói: “Những cuộc chinh phục duy nhất không để lại những hối tiếc là những cuộc chinh phục của chúng ta đối với sự ngu muội.” Chẳng phải những nhà khoa học đã và đang làm những cuộc chinh phục như thế hay sao? Chẳng phải chính họ và tác phẩm họ từng bước mở rộng biên giới của minh triết, đẩy lùi ngu muội, luôn đồng hành với chúng ta, làm nên sự phồn vinh xã hội, và biện hộ sự tồn tại của chúng ta hay sao? Họ là những con người đơn giản, không mơ ước quyền thế, hay của cải, nhưng họ làm ra của cải của nhân loại, có ảnh hưởng lớn hơn mọi ảnh hưởng của các vị tướng tài giỏi nhất của thế giới tự cổ chí kim cộng lại. Bức tranh vũ trụ họ chinh phục được đẹp đẽ hơn cả những gì con người có thể ước mơ và tưởng tượng.

 

Nguyễn Xuân Xanh

Tháng 4, 2015

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý