Làm một người học trò, đầu tiên phải học làm người, có giáo dưỡng, điều này còn quan trọng hơn việc học tập văn hóa. Một người trên con đường học vấn có thể thiếu thốn đôi chút cũng chỉ gây ảnh hưởng nhất thời, nhưng khiếm khuyết trong việc học làm người sẽ ảnh hưởng cả một đời.
BVST18065-CO-HOC-TUY-BUT-1-1-.jpg

Khổng Tử giáo dục, việc bồi dưỡng đạo đức của đệ tử được đặt ở vị trí đầu tiên; học tập văn hóa tri thức đặt ở vị trí thứ hai. (Ảnh từ ok.ru)

THỨ NHẤT HỌC LÀM NGƯỜI, THỨ HAI HỌC TRI THỨC

Trong “Luận Ngữ. Học Nhi” của Khổng Tử có nói: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đệ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”, ý nói các đệ tử ở trước mặt cha mẹ phải hiếu thuận; ra khỏi cửa phải nghe theo thầy, ngôn từ hành vi phải cẩn thận, thành thật đáng tin, tấm lòng rộng mở yêu thương mọi người, gần gũi với những người nhân đức. Sau khi tự mình thực hành, nếu vẫn còn dư sức lực, mới đi học tập văn hóa tri thức.

Theo đoạn văn này, chúng ta có thể thấy được cách Khổng Tử giáo dục, việc bồi dưỡng đạo đức của đệ tử được đặt ở vị trí đầu tiên; học tập văn hóa tri thức đặt ở vị trí thứ hai. Trên thực tế, các thời đại trong lịch sử đều vô cùng coi trọng việc giáo dục đạo đức.

Cổ nhân nói: “Trong giáo dục, đạo đức phải được dạy trước tiên, tu thân phải lấy làm gốc”. Đối với quốc gia mà nói, người có đức chính là cơ sở của ổn định; đối với tập thể mà nói, người có đức là người được tín nhiệm; với cá nhân mà nói, người có đức chính là người đẹp nhất.

Bởi vậy, trên cả con đường nhân sinh, chúng ta nhất định phải học làm người trước tiên, dùng nhân phẩm tốt đẹp hun đúc thành nhân cách cao thượng, dùng nhân cách và đạo đức đã tu dưỡng mà hiện thực hóa lý tưởng của chính mình, sáng tạo huy hoàng trong cuộc sống.

Trước mắt chúng ta đang ở trong một thời đại cởi mở toàn diện, toàn cầu hóa tin tức, phương thức tư duy con người và phương thức kinh tế xã hội đều có những thay đổi chóng mặt. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã không ngừng đưa chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa tôn thờ kim tiền, chủ nghĩa cá nhân cực đoan,… xâm nhập vào cuộc sống.

Các loại tư tưởng như thế đã công kích mãnh liệt thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của thanh thiếu niên và học sinh thời nay. Rất nhiều học sinh không có tinh thần trách nhiệm, thiếu tôn trọng người khác, ý thức về thành tín đang dần mai một, học tập thói quen nói “thô tục”, năng lực học hỏi từ thất bại cũng kém cỏi, chính là sự khiếm khuyết về phương diện làm người của học sinh.

Trong lúc học tập văn hóa khoa học tri thức, cần học cách làm người, học được cách xem trọng tu dưỡng và học thức. Một con người không những cần có năng lực, còn cần có nhân cách lương thiện.

Đất nước Trung Hoa là cổ quốc văn minh, lễ nghĩa chi bang. Trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm, đã hình thành nền văn hóa truyền thống ưu tú với đạo đức thăng hoa, bao gồm các quy phạm đạo đức làm người, làm trò, làm quân vương, làm quan, làm dân, làm cha, làm chồng, làm vợ, làm anh, làm con cháu.

Chúng ta gọi giáo dục chính là dạy người học biết làm người. Tổ chức giáo dục Liên hiệp quốc đưa ra bốn trụ cột lớn trong giáo dục thế kỷ 21, chính là học biết tri thức, học biết cách làm, học biết cộng tác, học biết sinh tồn. Bất luận là “học biết” gì đi nữa, điểm rơi căn bản nhất, chính là “học biết làm người”. Học biết làm một con người chân chính, lương thiện chính là mấu chốt trong bốn trụ cột lớn đó.

LÀM NGƯỜI TRƯỚC, LÀM VIỆC SAU

Một người cho dù là thông minh bao nhiêu đi nữa, có năng lực lớn đến đâu đi nữa, điều kiện hoàn cảnh tốt đến mức nào đi nữa, nhưng nếu không hiểu được đạo lý làm người thì nhân phẩm, phẩm giá sẽ rất kém. Như vậy, sự nghiệp của người ấy sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chỉ có làm người trước thì mới có thể làm thành được việc đại sự, đây vừa là đạo lý, vừa là lời giáo huấn của người xưa.

Từ nhỏ đến lớn, chắc hẳn chúng ta đã nghe nhiều đến cụm từ “đạo lý làm người”. Kỳ thực, ưu khuyết điểm của phẩm tính mỗi người là khác nhau, cho nên kết quả làm việc cũng khác nhau “một trời một vực”. Bất luận một sự thất bại nào của một người trong cuộc đời đều không phải là ngẫu nhiên. Tương tự, bất kể một sự thành công nào của một người thành công đều là có tính tất yếu. Trong đó, nhân tố “làm người” lại là quan trọng nhất. Nhân phẩm, phẩm giá của con người là cơ sở nền tảng để con người thi triển năng lực, là “nhãn hiệu” để phân biệt người này người kia.

“Nhân phẩm” và “năng lực” giống như tay trái và tay phải của một người. Nếu chỉ có năng lực không có nhân phẩm thì người ấy không được trọn vẹn, đầy đủ. Năng lực được ví như một con dao hai lưỡi. Nếu như “năng lực” được một người có phẩm đức nắm giữ thì họ sẽ sáng tạo cho xã hội vô số những điều có giá trị. Trái lại, nếu “năng lực” được một người có phẩm đức kém nắm giữ thì không biết bản thân người ấy và xã hội sẽ đi đến nguy hiểm gì.

Từ ngàn xưa đến nay, không có ai nguyện ý trọng dụng một người có năng lực nhưng khuyết thiếu phẩm đức. Một người mà nhân phẩm không tốt thì cho dù có tài năng lớn bằng trời biển thì họ cũng sẽ mang đến tổn hại cho người khác, cho tổ chức và cho xã hội ở những thời điểm mấu chốt. Hơn nữa, người có năng lực càng lớn thì tổn thất tạo thành cũng sẽ càng lớn. Từ ý nghĩa này mà xét, “nhân phẩm” là “chìa khóa vàng” quyết định sự lớn mạnh của một tổ chức và sự trưởng thành của một cá nhân.

http://media.kenh9.tv/http/1200x1200/drive.tinhhoa.net/http/1200x1200/tinhhoa.net-/9bSpv2-20180917-co-hoc-tuy-but-thu-nhat-hoc-lam-nguoi-thu-hai-hoc-tri-thuc.jpg

Một người cho dù là thông minh bao nhiêu đi nữa, có năng lực lớn đến đâu đi nữa, điều kiện hoàn cảnh tốt đến mức nào đi nữa, nhưng nếu không hiểu được đạo lý làm người thì nhân phẩm, phẩm giá sẽ rất kém. (Ảnh: Internet)

Cổ nhân giảng: “Hậu đức tái vật”, chính là muốn nói rằng, làm người phải có đức hạnh tốt thì mới có thể chịu tải được vạn sự. Cho nên, một người để làm được việc lớn thì phải có đức dày, người mà không có đức lớn thì không thể thành tựu được đại sự. Cổ nhân cũng giảng: “Chịu thiệt là phúc”, cho nên, chúng ta không cần lúc nào cũng phải tranh giành lợi ích; cần suy nghĩ nhiều cho người khác hơn một chút thì mới có thể thành tựu được sự nghiệp.

Đồng thời, đức dày cũng là phúc. Làm người phải phúc hậu mới có thể được người khác kính trọng và yêu quý. “Thiện lương” là nhân tố mấu chốt của phẩm chất tốt. Làm người phải thường mang trong mình lòng biết ơn, không quá tính toán chi li, có nhiều tình thương, làm nhiều việc thiện, thường xuyên đứng ở góc độ người khác mà suy xét mới có thể có nhiều nhân duyên tốt đẹp và tín danh cho bản thân mình.

Xã hội hiện đại ngày nay, người ta chú ý nhiều hơn đến “năng lực”, có lẽ đàm luận về “nhân phẩm” đã là “lỗi thời” với một số người. Thậm chí có người còn cho rằng, anh ta dù sao cũng có năng lực, có bản lĩnh, “nhân phẩm” kém một chút thì có sao? Nhưng kỳ thực, chặng đường mà một người đi đến thành tựu là lâu dài, hơn nữa còn phải cần sự khẳng định của những người xung quanh. Người mà năng lực lớn đến vô cùng nhưng lại đánh mất mất nhân tính thì người ấy có lẽ cũng chỉ là một “kẻ hủy diệt” mà thôi.

Cho nên, làm người nhất định phải tu dưỡng phẩm đức, có như vậy mới được người đời tôn trọng và mới đứng vững được bằng đôi chân của mình ở trong bất kỳ xã hội nào!

----- Hết -----

Nguồn bài viết:

- Link gốc: theo NTDTV

- Link trích dẫn: http://tinhhoa.net/co-hoc-tuy-but-thu-nhat-hoc-lam-nguoi-thu-hai-hoc-tri-thuc.html 

***

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo