BVST18075-CACH-MANG-THONG-TIN-1-1-.jpeg
Một cuộc cách mạng thông tin đang làm biến đổi chính trị quốc tế. Cách đây 4 thế kỷ, Francis Bacon, một nhà triết học-chính trị gia người Anh đã viết rằng tri thức là quyền lực. Vào đầu thế kỷ 21, một phần lớn hơn của dân số thế giới đều đã có thể tiếp cận được loại quyền lực này. Các chính phủ trên thế giới luôn lo lắng về dòng chảy của các nguồn thông tin và việc kiểm soát chúng. Tuy nhiên giai đoạn hiện tại chúng ta đang sống không phải là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử chịu tác động mạnh mẽ của các biến đổi về công nghệ thông tin. Vào thế kỷ 15, việc phát hiện ra kỹ thuật in của Gutenberg, vốn đã tạo điều kiện cho việc in Kinh Thánh và sự truyền bá của Kinh Thánh đến với phần lớn dân chúng Châu Âu lúc bấy giờ, được cho là đóng vai trò quan trọng đối với sự khởi đầu Cải cách Kháng Cách của Giáo hội Công giáo La Mã. Các truyền đơn và ủy ban trao đổi thông tin cũng đã tạo điều kiện giúp Cách mạng Mỹ thành công. Như những người theo chủ nghĩa kiến tạo đã chỉ ra, những thay đổi nhanh chóng trong dòng chảy thông tin có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng về bản sắc và lợi ích.
Cuộc cách mạng thông tin đương đại bắt nguồn từ những tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng về máy tính, truyền thông và các phần mềm vốn giúp cho chi phí xử lý và truyền tải thông tin giảm xuống một cách đáng kể. Trong suốt 30 năm qua, cứ một năm rưỡi năng lực tính toán lại tăng gấp đôi một lần, và đến đầu thế kỷ 21, chi phí giảm chỉ còn một phần nghìn so với những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Nếu giá xe hơi cũng giảm nhanh như giá của vật liệu bán dẫn thì giá một chiếc xe hơi hiện tại chỉ vào khoảng 5 đô la.
Vào năm 1993, có khoảng 50 trang web trên toàn thế giới. Tính đến hết thập niên, con số này đã vượt quá 5 triệu website. Từ năm 2000 đến 2005, tỉ lệ sử dụng internet toàn cầu đã tăng 170%, trong đó Châu Phi và Trung Đông có mức tăng mạnh nhất. Băng thông truyền thông cũng được mở rộng nhanh chóng, và chi phí thông tin liên lạc tiếp tục giảm với tốc độ còn nhanh hơn cả mức tăng sức mạnh tính toán. Đến cuối thập niên 1980, điện thoại trên dây cáp đồng chỉ có thể truyền tải một trang thông tin trong vòng một giây; ngày nay, một sợi cáp quang mỏng manh có thể truyền được lượng thông tin của 90,000 tập sách trong khoảng thời gian tương tự. Tính theo tỷ giá đồng đô la hiện tại, giá một cuộc gọi xuyên Đại Tây Dương ngắn đã giảm từ 250 đô la năm 1930 xuống còn ít hơn 1 đô la vào đầu thế kỷ mới. Giờ đây với công nghệ truyền tải giọng nói qua internet, những cuộc gọi như vậy hầu như trở thành miễn phí. Còn webcam có thể cho phép chúng ta ngồi thoải mái ở nhà tham dự các hội nghị qua video. Vào những năm 1980, một thiết bị lưu trữ được 1 gigabyte thông tin phải to bằng cả một gian phòng; ngày nay một máy Apple iPod bỏ vừa túi áo của bạn có dung lượng lưu trữ lên đến 60 gigabyte.
Đặc tính quan trọng nhất của cuộc cách mạng thông tin không phải là tốc độ truyền thông giữa các quốc gia giàu có và quyền lực: trong vòng hơn 130 năm, truyền thông nhanh chóng luôn diễn ra giữa Châu Âu và Bắc Mỹ. Thay đổi quan trọng nhất của cuộc cách mạng thông tin là việc chi phí truyền tải thông tin giảm đáng kể. Vì những lý do thực tế, chi phí truyền thông nay đã trở nên không còn đáng kể, và cũng nhờ đó, lượng thông tin được chuyển đi trên khắp thế giới là vô tận. Kết quả là một sự bùng nổ về thông tin, mà trong đó các tư liệu giấy chỉ còn đóng một tỉ lệ rất nhỏ. Theo một ước lượng, có khoảng 1,5 tỷ gigabyte thông tin lưu trữ dạng số (tương đương 250 megabyte cho mỗi cư dân trên trái đất), và lượng trao đổi của những thông tin này được tăng gấp đôi mỗi năm. Vào đầu thế kỷ 21, người sử dụng máy tính trên toàn thế giới gửi khoảng 4.000 tỷ thư điện tử một năm, và các trang web lưu trữ khoảng 170 terabyte thông tin theo một ước tính sơ lược, một lượng thông tin gấp 17 lần tất cả số sách in có trong Thư viện Quốc hội Mỹ. Những thay đổi sâu sắc trong hai ngành công nghiệp có liên quan là máy tính và truyền thông, đôi khi được gọi là “cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba”, đang thay đổi bản chất của các chính phủ, chủ quyền quốc gia và tạo ra một sự phân tán quyền lực.
BÀI HỌC TỪ QUÁ KHỨ
Chúng ta có thể dự đoán xem chúng ta đang tiến tới đâu bằng cách nhìn lại sự phát triển của thế giới trong quá khứ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào đầu thế kỷ 19, việc sử dụng năng lượng hơi nước trong các nhà máy và các phương tiện giao thông đã tạo ra những thay đổi to lớn về kinh tế, xã hội, và chính phủ. Các mô hình sản xuất, lao động, điều kiện sống, các tầng lớp xã hội, và cả các quyền lực chính trị đều bị biến đổi. Giáo dục công đã phát triển khi công nhân lao động được đòi hỏi phải biết chữ và lành nghề để có thể làm việc trong các nhà máy với công việc ngày càng nguy hiểm và phức tạp hơn. Các lực lượng cảnh sát đặc thù đã xuất hiện để đối phó với quá trình đô thị hóa, như trường hợp của Luân Đôn. Tiền trợ cấp được đổ vào xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, kênh đào và đường tàu hỏa thiết yếu.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, diễn ra vào đầu thế kỷ 20, với năng lượng điện, sợi tổng hợp và động cơ đốt trong, cũng đã đem lại những thay đổi kinh tế và xã hội tương tự. Nước Mỹ chuyển từ một nước nông nghiệp là chủ yếu thành một quốc gia cơ bản công nghiệp hóa và đô thị hóa. Vào những năm 1890, hầu hết người Mỹ vẫn còn là các nông dân hoặc người hầu. Một vài thập niên sau đó, đại đa số dân Mỹ sống trong các thành phố lớn và làm việc trong các nhà máy. Giai tầng xã hội và sự phân cấp chính trị đã thay đổi khi lực lượng lao động tại các thành phố và các nghiệp đoàn ngày càng trở nên quan trọng. Và một lần nữa, vai trò của chính phủ cũng thay đổi, dù chậm hơn. Các phong trào tiến bộ của cả hai đảng đã dẫn tới sự ra đời các quy định pháp luật chống độc quyền, các điều luật đầu tiên về bảo vệ người tiêu dùng do cơ quan tiền thân của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đưa ra, và các quy định về bình ổn kinh tế do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đề xuất. Nước Mỹ đã nhanh chóng đạt tới vị trí siêu cường của nền chính trị thế giới. Một số người cũng mong đợi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba sẽ tạo ra những biến chuyển tương tự về kinh tế, xã hội, chính quyền và trong nền chính trị thế giới.
Các so sánh lịch sử này giúp chúng ta phần nào hiểu được những lực lượng nào sẽ góp phần định hình nền chính trị thế giới trong thế kỷ 21. Các nền kinh tế và mạng lưới thông tin đã thay đổi nhanh hơn mức biến đổi của chính quyền. Quy mô chính trị của chủ quyền quốc gia và quyền lực cũng chưa đạt được đến trình độ phát triển đó. Nhà xã hội học Daniel Bell cho rằng “Nếu như có một vấn đề xã hội duy nhất và bao trùm xảy ra trong xã hội hậu công nghiệp – đặc biệt là trong việc quản lý giai đoạn chuyển tiếp, quá độ – thì đó chính là sự quản lý về quy mô.”[1] Nói một cách đơn giản, những bộ phận cấu thành cơ bản của nền chính trị thế giới đang bị biến đổi bởi các công nghệ mới. Nếu chúng ta chỉ thuần túy tập trung vào các yếu tố quyền lực cứng của một quốc gia-dân tộc, thì chúng ta sẽ bỏ sót một thực tiễn mới.
Hiện tại, chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng thông tin, và những tác động của nó đến kinh tế và chính trị lúc này là không đồng đều. Như trường hợp của phát minh về máy hơi nước vào cuối thế kỷ 18 và phát minh ra điện vào cuối thế kỷ 19, năng suất lao động không tăng nhanh tương ứng vì xã hội cần có thời gian để nắm vững cách tận dụng tối đa các công nghệ mới. Các thiết chế xã hội biến chuyển chậm hơn các thay đổi về công nghệ. Ví dụ, động cơ điện được phát minh vào năm 1881 nhưng mãi tới 4 thập kỷ sau đó Henry Ford mới là người đầu tiên tổ chức một nhà máy sản xuất theo dây chuyền để tận dụng tối đa năng lượng điện. Độ trễ tương tự cũng xảy ra với công nghệ thông tin và máy tính. Năng suất của nền kinh tế Mỹ chỉ bắt đầu tăng lên vào giữa những năm 1990.
Sự ra đời của truyền thông đại chúng và phát thanh truyền hình cách đây 1 thế kỷ, vốn được hỗ trợ bởi năng lượng điện giá rẻ, đã cho chúng ta một số bài học quan trọng về những ảnh hưởng tiềm tàng đối với chính trị và xã hội ngày nay. Nó giúp mang lại thời đại của văn hoá đại chúng. Những tác động của truyền thông đại chúng và phát thanh truyền hình, không kể đến điện thoại, có xu hướng đem đến tác động chính trị tập trung hóa. Dù thông tin được lan tỏa rộng rãi nhưng lại bị ảnh hưởng bởi chính quyền trung ương nhiều hơn so với thời kỳ thịnh hành của báo chí địa phương, và điều này đúng ngay cả ở các quốc gia dân chủ. Việc Tổng thống Roosevelt sử dụng radio vào những năm 1930 đã tạo ra một bước biến chuyển lớn trong nền chính trị Mỹ. Những tác động này càng có mức độ ảnh hưởng lớn khi chúng được sử dụng bởi những chế độ độc tài vốn có thể loại bỏ những nguồn thông tin đối lập. Thậm chí một vài học giả còn nhận định rằng các chế độ độc tài không thể tồn tại được nếu không có sự hỗ trợ của truyền thông đại chúng ra đời sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai.
Vào giữa thế kỷ 20, người ta lo sợ rằng máy tính và truyền thông của cuộc cách mạng thông tin đương đại có thể sẽ tạo ra sự kiểm soát tập trung hơn nữa của chính quyền như trong tác phẩm “1984” của George Orwell. Các máy chủ dường như giúp tăng cường khả năng lên kế hoạch tập trung và giám sát của giới lãnh đạo trung ương trong một mô hình kiểm soát hình kim tự tháp. Những kênh truyền hình của chính phủ thường là các kênh thống trị về nguồn tin tức. Thông qua các trung tâm kiểm soát dữ liệu trung ương, máy tính giúp cho việc giám sát và nhận diện của chính phủ dễ dàng hơn, và quá trình thương mại hóa cũng đã thay đổi thiên hướng tôn trọng tự do cũng như quy tắc phát triển của internet trước đây. Tuy nhiên, công nghệ mã hoá vẫn đang phát triển, và các chương trình như Gnutella hay Freenet đã cho phép người dùng có thể trao đổi thông tin một cách ẩn danh. Khác với những dự đoán bi quan trước đây, những công nghệ này hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho tự do cá nhân nhiều hơn, và thực tế chính phủ ngày càng khó kiểm soát internet hơn so với những công nghệ của cuộc cách mạng thông tin lần thứ hai.
Khi chi phí sử dụng máy tính giảm xuống và bản thân chiếc máy tính cũng nhỏ gọn lại thì chúng ngày càng được phổ biến rộng rãi, tác động theo hướng phi tập trung hóa của nó ngày càng mạnh hơn so với khuynh hướng tập trung hóa trước đây. Internet đã tạo ra một hệ thống giúp quyền lực của thông tin được phân tán rộng rãi. So với radio, ti vi và báo chí, những thứ vốn bị kiểm soát bởi các ban biên tập hoặc các toà soạn, internet tạo ra sự trao đổi thông tin không giới hạn giữa cá nhân với cá nhân (thông qua thư điện tử), giữa cá nhân với cộng đồng (thông qua một trang web cá nhân hoặc một blog), giữa cộng đồng với cá nhân (thông qua các chương trình phát sóng điện tử) và quan trọng nhất là sự trao đổi thông tin giữa các nhóm nhiều người với nhau (thông qua các phòng chat hoặc các bảng tin nhắn trực tuyến). So sánh những phương thức liên lạc điện tử này với các tiến bộ về truyền thông trước kia, nhà khoa  học chính trị Pippa Norris đã viết rằng “Các thông điệp trên internet đang được truyền đi với tốc độ nhanh hơn, xa hơn và trực tiếp hơn.”[2] Chính phủ vẫn có thể kiểm soát thông tin, nhưng điều này đòi hỏi chi phí cao và nhiều khi đưa lại những kết quả đáng thất vọng. Như vậy, thay vì tăng cường tập trung hóa và sự quan liêu của các chính quyền, các công nghệ thông tin mới có xu hướng tạo điều kiện hình thành những tổ chức dạng mạng lưới, những loại cộng đồng mới, và từ đó đòi hỏi chính phủ phải đóng những vai trò mới.
Điều này có nghĩa là nền chính trị thế giới không phải là lĩnh vực riêng của các chính phủ. Cả các cá nhân và những tổ chức tư nhân, từ các công ty, các tổ chức phi chính phủ cho đến những kẻ khủng bố đều được tăng cường sức mạnh để đóng một vai trò trực tiếp hơn trong nền chính trị thế giới. Sự phổ biến của thông tin làm cho quyền lực được phân tán rộng rãi hơn, và giờ đây những thiết chế không chính thức có thể phá vỡ thế độc quyền của những cơ quan nhà nước truyền thống. Tốc độ nhanh của internet cũng khiến cho tất cả mọi chính phủ, cả chính phủ Mỹ lẫn các nước khác trên thế giới, sẽ có ít cơ hội kiểm soát các chương trình nghị sự của họ hơn. Các nhà lãnh đạo chính trị sẽ có ít thời gian tự do hơn trước khi phản ứng với các sự kiện, đồng thời họ cũng phải chia sẻ sân khấu với nhiều chủ thể hơn. Những người theo chủ nghĩa kiến tạo cảnh báo rằng chúng ta cũng nên tránh bị thôi miên bởi những thuật ngữ như “cân bằng quyền lực” hay “bá quyền”, cũng như những thông số so sánh quyền lực cứng giữa các quốc gia được điều hảnh bởi các chính phủ trung ương. Hình ảnh của chủ nghĩa hiện thực về việc cân bằng quyền lực giữa các quốc gia có chủ quyền giống như những trái banh va chạm lẫn nhau trên bàn bi-a sẽ khiến chúng ta không nhận thấy những sự phức tạp mới của chính trị thế giới.
CÁC CHỦ THỂ LIÊN QUỐC GIA
Như chúng ta đã thấy, một trong những đặc tính của thời đại thông tin toàn cầu chính là vai trò ngày càng gia tăng của những chủ thể liên quốc gia – những chủ thể không phải là quốc gia hoạt động xuyên biên giới quốc tế (Hình 8.1). Nền chính trị quốc tế truyền thống chỉ bàn về các quốc gia. Chúng ta thường sử dụng các dạng nói ngắn gọn như “Nước Đức muốn vùng Alsace” hay “Pháp e sợ Anh”. Đây là một cách nói đơn giản hóa hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn cổ điển của chính trị quốc tế. Vào thế kỷ 18, các quốc vương sẽ là người đại diện cho một quốc gia. Nếu Frederick Đại đế muốn điều gì đó cho nước Phổ, Frederick sẽ chính là nước Phổ. Vào thế kỷ 19, một tầng lớp tinh hoa lớn hơn kiểm soát các quyết định chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ngay cả trước khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, ngoại giao Châu Âu vẫn tương đối bó hẹp trong quan hệ giữa các chính phủ với nhau. Thêm vào đó, trong thời kỳ cổ điển của chính trị quốc tế, chương trình nghị sự bị giới hạn hơn ngày nay rất nhiều. Các vấn đề an ninh quân sự thường là đề tài chủ yếu của các chương trình nghị sự này và thường được quyết định chủ yếu bởi các bộ ngoại giao.
Xét về chất, các chủ thể liên quốc gia đã đóng vai trò trong nhiều thế kỷ, tuy nhiên sự biến đổi về lượng trong nửa sau của thế kỷ 20 đã đánh dấu một thay đổi quan trọng trong hệ thống quốc tế. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau ở cấp độ toàn cầu, chương trình nghị sự của nền chính trị quốc tế đang ngày càng được mở rộng hơn cuốn hút sự tham gia của dường như mọi chủ thể. Chẳng hạn như ở Mỹ, hầu hết tất cả các cơ quan trong nước đều đóng một vai trò quốc tế nào đó. Bộ Nông nghiệp quan tâm tới các vấn đề lương thực quốc tế. Cục Bảo vệ Môi trường quan tâm đến vấn đề mưa acid và tình trạng ấm dần lên toàn cầu, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quan tâm đến vấn đề rác thải trên biển, Bộ Thương mại quan tâm đến tình hình giao thương, trong khi Bộ Tài chính lại quan tâm đến vấn đề tỷ giá hối đoái. Tất cả những vấn đề này đếu không thuộc quyền điều tiết của Bộ Ngoại giao. Tất cả các cơ quan của chính phủ Mỹ đều có bộ phận đối ngoại riêng của mình. Thực tế, nếu nhìn vào cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài, chúng ta sẽ thấy chỉ một nhóm nhỏ trong số nhân viên ở hầu hết các đại sứ quán Mỹ là người thuộc Bộ Ngoại giao.
Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau đầy phức tạp, các xã hội tương tác với nhau ở nhiều cấp độ hơn. Điều này giống như tình trạng giao thông ở một ngã tư, quá nhiều xe cộ phức tạp khiến một cảnh sát không thể điều khiển hết được. Những mối tương giao xảy ra xuyên biên giới quốc gia và không nằm trong tầm kiểm soát tập trung của các cơ quan phụ trách đối ngoại này được gọi là các mối quan hệ liên quốc gia. Những mối quan hệ này bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn ở) vấn đề nhập cư, sự lưu chuyển của các dòng vốn từ nước này sang nước khác xảy ra hàng ngày trên các thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới, các hoạt động buôn bán vũ khí và thuốc phiện trái phép, cũng như một số hoạt động khủng bố nhất định. Các chính phủ trên thế giới có thể cố gắng kiểm soát những hoạt động này đặc biệt là đối với nạn khủng bố và buôn lậu, nhưng thường rất tốn kém. Chẳng hạn như Liên Xô đã kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ xuyên quốc gia và chính điều này đã gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Xô Viết. Trong trường hợp có sự phụ thuộc lẫn nhau cao độ và số lượng chủ thể liên quốc gia nhiều, chúng ta có thể bị nhầm lẫn bởi những cách nói tắt vốn được sử dụng thông dụng trong giai đoạn chính trị quốc tế cổ điển trước đây. Chúng ta thường nói “Nhật Bản đồng ý nhập khẩu nhiều hơn” hoặc “Mỹ phản đối những yêu sách mở rộng thềm lục địa dưới đáy đại dương,” nhưng nếu xem xét một cách kỹ lưỡng hơn chúng ta có thể thấy rằng các công ty Nhật Bản đã hoạt động xuyên quốc gia nhằm tăng cường xuất khẩu hoặc một vài công dân Mỹ đã vận động hành lang quốc tế để có được một định nghĩa rộng hơn về thềm lục địa.
Những lợi ích chồng chéo này luôn tồn tại, và thường phổ biến trong lĩnh vực kinh tế và xã hội hơn là trong các vấn đề an ninh quân sự truyền thống. Vấn đề an ninh thường là một vấn đề có tính tập thể cao hơn. Sự an nguy sinh tồn của một dân tộc rõ ràng là một vấn đề mang lợi ích chung. Trong khi đó các vấn đề kinh tế xã hội thường ít có điểm chung hơn và lợi ích trong các lĩnh vực này cũng thường khác biệt nhau hơn. Do đó khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tăng lên cùng với sự xuất hiện của các vấn đề về kinh tế trong các chương trình nghị sự chính trị quốc tế, chúng ta nhận ra rằng các thuật ngữ ngắn gọn được sử dụng trước đây nay không còn mô tả được đầy đủ các tiến trình chính trị.
Hãy lấy trường hợp về dầu mỏ được nêu ở Chương 7 làm ví dụ. Tôi đã đề cập rằng vào năm 1973 các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ muốn duy trì giá dầu thấp trong khi các quốc gia sản xuất muốn đẩy giá cao lên. Về mặt chính trị, tình hình phức tạp hơn nhiều. Các công ty sản xuất dầu thuộc các quốc gia tiêu thụ cũng muốn đẩy giá dầu tăng lên. Các nhà sản xuất dầu nhỏ lẻ ở Texas cũng muốn nhìn thấy OPEC tăng giá dầu vì họ có cùng lợi ích kinh tế với các quốc gia Ảrập chứ không phải cùng lợi ích với những người tiêu dùng đang chết cóng ở bang New England. Các nhà sản xuất năng lượng hạt nhân cũng ủng hộ việc tăng giá dầu bởi vì điều đó có thể giúp cho năng lượng hạt nhân trở nên cạnh tranh hơn. Ngành công nghiệp khai thác than đang suy thoái của châu Âu và các công nhân mỏ đang thất nghiệp cũng không bất bình với sự tăng giá của dầu mỏ. Các nhà sinh thái học cũng vậy, họ tin rằng giá dầu cao hơn sẽ giúp giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và mức độ ô nhiễm môi trường. Như vậy, ngay bên trong các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ cũng đã có sự phân hóa lớn về lợi ích xung quanh giá dầu. Khi sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên, chính trị sẽ khác đi khi chúng ta vén lên tấm rèm của lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia. Một trong những lí do giải thích tại sao các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ không muốn sử dụng các biện pháp cực đoan như bạo lực là bởi sự nhạy cảm của mức độ phụ thuộc lẫn nhau khiến giá năng lượng cao được coi là tích cực bởi nhiều chủ thể chính trị quan trọng trong nội bộ các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ này. Trên thực tế đã tồn tại một liên minh liên quốc gia không chính thức muốn đẩy giá dầu tăng cao.
Dĩ nhiên sự tồn tại của những lợi ích trái chiều trong một quốc gia không phải là vấn đề mới. Vào thế kỷ 19 chính trị Mỹ có đặc điểm nổi bật là sự chia rẽ giữa giới nông dân ở các bang phía Nam với các nhà công nghiệp ở phía Bắc về vấn đề thuế quan. Khi Tổng thống George W. Bush tăng thuế đối với thép năm 2002, quyết định này đã làm hài lòng các công ty và tập đoàn sản xuất thép, nhưng lại gây thiệt hại cho những đối tượng sử dụng thép, như các công ty chế tạo xe hơi chẳng hạn. Như ta đã thấy ở Chương 2, chính trị trong nước đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại, và với sự tham gia của các chủ thể vào chính trị nội bộ ngày càng mở rộng, điều này càng trở nên chính xác hơn. Hơn nữa, khi một số nhóm lợi ích trong nước có được khả năng liên lạc và tương tác một cách trực tiếp với các nhóm lợi ích ở các quốc gia khác, chúng sẽ tạo ra một hình thái chính trị thế giới mới.
Hai mô hình của chính trị thế giới được mô tả trong Hình 8.1. Mô hình truyền thống của nền chính trị quốc tế là biểu đồ nằm phía bên trái. Mô hình này đi theo những đường thẳng. Nếu những người trong Xã hội 1 muốn gây áp lực với Chính phủ 2, họ sẽ phải yêu cầu Chính Phủ 1 thảo luận với Chính Phủ 2. Tuy nhiên trong mô hình liên quốc gia, người dân trong Xã hội 1 có thể gây áp lực lên Chính phủ 2 hoặc lên người dân trong Xã hội 2 một cách trực tiếp. Những mũi tên được thêm vào trong biểu đồ nằm phía bên phải là các hoạt động xuyên biên giới quốc gia của các cá nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ. Khi nói về chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau chúng ta không nên cho rằng mọi thứ đều được định hình bởi mô hình truyền thống của mối quan hệ giữa các chính phủ với nhau. Một trong những đặc điểm nổi bật của mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau phức tạp chính là vai trò quan trọng của các chủ thể khác bên cạnh các quốc gia.
Cách diễn đạt ngắn gọn truyền thống thực ra không sai. Nó vẫn là cách diễn đạt gần như chính xác nhất, ngay cả trong bối cảnh chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau. Các quốc gia thường vẫn là chủ thể chính. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào các quốc gia mà thôi bạn sẽ có một cái nhìn sai lệch về chính trị trong giai đoạn phụ thuộc lẫn nhau. Các quốc gia có vẻ như bất khả xâm phạm nếu nhìn tổng thể, nhưng nếu xem xét kỹ hơn ta sẽ thấy có những lĩnh vực của các quốc gia rất dễ bị tổn thương hơn nhiều so với những lĩnh vực khác. Những lĩnh vực dễ bị tổn thương này thường có xu hướng hoạt động liên quốc gia để cải thiện tình hình. Nói tóm lại, các quốc gia vẫn là chủ thể quan trọng nhất của chính trị quốc tế, nhưng như những người theo chủ nghĩa kiến tạo đã cảnh báo, nếu nói như vậy nghĩa là bạn đã bỏ quên một số yếu tố quan trọng khác mà chúng ta cần phải biết về chính trị và những sự xung đột trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.
CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ (NGO)
Các tổ chức tư nhân cũng ngày càng tăng cường hoạt động liên quốc gia (Bảng 8.2). Các tổ chức tôn giáo liên quốc gia chống lại chế độ nô lệ đã xuất hiện từ năm 1775, trong khi đó thế kỷ 19 chứng kiến sự ra đời của tổ chức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, Hội Chữ Thập Đỏ, các phong trào hoà bình, các phong trào vận động cho quyền bầu cử của phụ nữ, và Hiệp hội Luật Quốc tế,vv… Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất có 176 tổ chức phi chính phủ quốc tế. Đến năm 1956 con số này tăng lên đến gần 1.000, và đến năm 1970 là gần 2.000. Gần đây, chúng ta chứng kiến sự bùng nổ về số lượng của các tổ chức phi chính phủ. Chỉ tính riêng trong thập niên 1990 con số này đã tăng từ 6.000 lên xấp xỉ 26.000 tổ chức. Và những số liệu này chưa nói lên toàn bộ câu chuyện bởi vì chúng chỉ đại diện cho những tổ chức được thành lập một cách chính thức. Có rất nhiều tổ chức phi chính phủ tuyên bố hoạt động như một tổ chức vì “lương tâm toàn cầu”, đại diện cho lợi ích chung của nhân loại vượt qua khỏi giới hạn của các quốc gia cụ thể, hay các lợi ích mà các quốc gia không quan tâm. Mặc dù không được bầu ra một cách dân chủ nhưng những tổ chức này đôi khi có thể giúp phát triển những chuẩn tắc mới một cách trực tiếp bằng cách gây áp lực với các chính phủ và các nhà lãnh đạo kinh tế đòi thay đổi các chính sách, cũng như gián tiếp thông qua thay đổi nhận thức của công chúng về việc các chính phủ và các công ty cần phải có vai trò như thế nào. Xét về phương diện tài nguyên quyền lực, những tổ chức mới này hiếm khi sở hữu sức mạnh cứng nhưng cuộc cách mạng thông tin đã tăng cường đáng kể sức mạnh mềm cho họ.
Các chính phủ ngày nay đang phải chia sẻ sân khấu chính trị của mình với những chủ thể có thể sử dụng thông tin để tăng cường sức mạnh mềm và gây áp lực lên chính phủ một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp bằng cách tác động vào công chúng. Nếu xét tới quyền lực của các nhà biên tập uy tín hay những nhân vật có thể định hướng thông tin trong thời đại internet, chúng ta có thể thấy có một cách đơn giản để đánh giá tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các tổ chức liên quốc gia, đó là nhìn vào số lần được nhắc đến của các tổ chức này trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Theo cách này, những tổ chức phi chính phủ lớn nhất hiện nay đã trở thành những chủ thể thường xuyên tham gia vào cuộc chiến giành sự quan tâm của những nhà biên tập có ảnh hưởng. Ví dụ, trong vòng 10 ngày sau khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra Báo cáo Thế giới năm 2003, trong đó tổ chức này chỉ trích nặng nề chính phủ Mỹ về cách tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, đã có nhiều bài báo xuất hiện trên 288 tờ báo và tạp chí đề cập đến tên tổ chức này.[3]
THÔNG TIN VÀ QUYỀN LỰC GIỮA CÁC QUỐC GIA
Cuộc cách mạng thông tin đang làm cho chính trị thế giới trở nên phức tạp hơn bởi nó tăng cường quyền lực cho các chủ thể phi quốc gia, cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực, đồng thời hạn chế khả năng kiểm soát của các chính phủ trung ương. Nó cũng làm thay đổi tương quan quyền lực giữa các quốc gia trên thế giới. Mỹ là nước được lợi nhiều nhất, trong khi rất nhiều quốc gia nghèo hơn bị bỏ lại phía sau. Trong khi một số nước nghèo như Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia đã phát triển đáng kể bằng việc gia nhập vào nền kinh tế thông tin, hơn một nửa số người sử dụng internet trên thế giới vào năm 2005 vẫn là người Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Trong thời đại thông tin, thế giới vẫn bao gồm các nền kinh tế lấy nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ làm chủ đạo. Những xã hội và chính quyền hậu công nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời đại thông tin sẽ tiếp tục tồn tại song song và tương tác với những quốc gia ít bị tác động hơn bởi cuộc cách mạng thông tin này.
Liệu khoảng cách số này có tiếp tục kéo dài? Mức chi phí giảm có thể giúp các nước nghèo thực hiện các bước nhảy vọt hoặc bỏ qua vài giai đoạn phát triển nhất định. Ví dụ, các cách thức liên lạc vô tuyến đã và đang thay thế dạng truyền thông hữu tuyến tốn kém. Công nghệ nhận dạng giọng nói cũng có thể giúp nhiều người mù chữ tiếp cận với phương thức liên lạc qua máy tính. Ngày nay, Internet có thể giúp những người nông dân nghèo biết được tình hình thời tiết cũng như nhu cầu của thị trường trước khi bắt tay vào sản xuất; và việc tiếp cận được nhiều thông tin hơn cũng sẽ giúp loại bỏ vai trò của những phương tiện truyền tin trung gian thiếu tin cậy. Kết nối internet và giáo dục từ xa cũng có thể giúp cho các bác sĩ và các nhà nghiên cứu thiếu thông tin ở những nước nghèo. Tuy nhiên, điều các nước nghèo cần nhất hiện nay chính là nền giáo dục và cơ sở hạ tầng cơ bản.
Công nghệ lan rộng nhanh chóng khiến cho nhiều nước mong muốn xây dựng những Thung lũng Silicon riêng của mình. Nhưng việc xác định những điều kiện cần thiết để xây dựng được nền công nghệ cao bao giờ cũng dễ dàng hơn là việc thực hiện chúng. Cơ sở hạ tầng thông tin phát triển, luật sở hữu trí tuệ được bảo đảm, chính sách hợp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường vốn vững chắc, và một lực lượng lao động có kỹ năng với khả năng sử dụng tiếng Anh (ngôn ngữ được sử dụng bởi 80% các trang web trên internet) sẽ là những điều kiện mà các nước nghèo đến một lúc nào đó sẽ đạt được, nhưng không thể trong một sáng một chiều. Ngay như ở Ấn Độ, nơi một số các điều kiện trên đã được thỏa mãn và các công ty phần mềm thuê hàng trăm ngàn lao động thì vẫn còn đến một nửa trong tổng số hơn 1 tỷ dân của Ấn Độ vẫn còn mù chữ.
Cuộc cách mạng thông tin đã gây nên các tác động theo hướng phi tập trung và cân bằng, tuy nhiên nó có giúp san bằng khoảng cách quyền lực giữa các quốc gia hay không? Thông qua việc giúp giảm bớt chi phí và tháo dỡ rào cản tham gia các thị trường, cuộc cách mạng thông tin đáng lẽ cũng có thể giảm bớt quyền lực của các nước lớn trong khi tăng cường quyền lực cho các nước nhỏ và các chủ thể phi quốc gia. Tuy nhiên trong thực tế, quan hệ quốc tế phức tạp hơn câu chuyện công nghệ kia rất nhiều. Xét ở một vài khía cạnh, cuộc cách mạng thông tin đang giúp đỡ các quốc gia nhỏ, trong khi ở những góc độ khác, nó lại đang trợ giúp cho các quốc gia vốn đã hùng mạnh và giàu có. Có một vài lý do giải thích cho thực tế này.
Thứ nhất, quy mô vẫn là một vấn đề quan trọng. Một số yếu tố mà các nhà kinh tế gọi là rào cản đối với việc gia nhập và tính hiệu quả của quy mô vẫn tiếp tục tồn tại trong một số khía cạnh quyền lực có liên quan tới thông tin. Ví dụ, quyền lực mềm bị tác động mạnh mẽ bởi nội dung văn hóa của những gì được phát sóng, hoặc xuất hiện trong các bộ phim hay chương trình truyền hình. Những nền công nghiệp giải trí lớn thường được hưởng tính hiệu quả của quy mô trong việc sản xuất và phân phối các nội dung. Thị phần thống trị của Mỹ trong lĩnh vực phim ảnh và chương trình truyền hình là một ví dụ điển hình cho điều này. Những công ty mới gia nhập thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với Hollywood (dù “Bollywood” của Ấn Độ bám theo sau với khoảng cách khá xa). Hơn thế nữa, trong nền kinh tế thông tin tồn tại “tác động mạng lưới” ảnh hưởng trở lại đối với quy mô. Như chúng ta đã biết, một chiếc điện thoại thì hoàn toàn vô dụng. Khi có hai chiếc, giá trị của chúng sẽ được tăng lên, và cứ như vậy, giá trị của chiếc điện thoại ngày càng gia tăng khi mạng lưới được mở rộng.
Thứ hai, mặc dù việc phổ biến các thông tin sẵn có đã trở nên rẻ hơn, việc thu thập và sản xuất các thông tin mới vẫn cần những nguồn vốn đầu tư lớn. Trong rất nhiều trường hợp cạnh tranh, thông tin mới chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Ở một vài khía cạnh nào đó, thông tin là một loại hàng hóa công không gây nên tình trạng cạnh tranh: mức tiêu thụ của người này không làm suy giảm mức tiêu thụ của người khác. Thomas Jefferson đã dùng hình ảnh so sánh của ngọn nến để nói về điều này. Nếu tôi chia cho bạn ánh sáng, ánh sáng của tôi không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong những trường hợp cạnh tranh lẫn nhau, tôi sẽ tạo ra được khác biệt lớn nếu như tôi là người đầu tiên có được ánh sáng và nhìn thấy mọi thứ trước bạn. Việc thu thập thông tin tình báo là một ví dụ điển hình cho điều này. Mỹ, Nga, Anh và Pháp là những quốc gia có năng lực thu thập thông tin tình báo vượt trội so với các quốc gia khác. Những tài liệu thống kê được công bố cho thấy Mỹ chi khoảng 44 tỷ đô la mỗi năm cho ngành tình báo. Trong một vài trường hợp mang tính thương mại, người đi theo sau nhưng nhanh chân có thể đạt được nhiều thành công hơn so với người đi tiên phong, nhưng khi nói về quyền lực giữa các quốc gia, thường người đi tiên phong có lợi hơn so với người đi sau. Thật đáng ngạc nhiên nhưng không có gì khó hiểu khi cho dù người ta đã thảo luận rất nhiều về việc Internet thu hẹp khoảng cách không gian nhưng các công ty vẫn tập trung ở Thung lũng Silicon, một khu vực nhỏ bé và vô cùng đông đúc ở phía Nam San Francisco, vì cái mà người ta gọi là “hiệu ứng tiệc cocktail.” Điều đem lại thành công chính là cách có được thông tin mới một cách không chính thức trước khi những thông tin đó được công khai. Douglas McGray đã cho rằng “Trong một ngành công nghiệp nơi mà những công nghệ mới luôn luôn đứng trước nguy cơ trở nên lạc hậu, lỗi thời, các công ty cần phải luôn nhận ra các nhu cầu, đảm bảo nguồn vốn và nhanh chóng đưa ra thị trường những mặt hàng mới nếu không sẽ bị các đối thủ cạnh tranh đánh bại.”[4] Quy mô của thị trường và việc ở gần các đối thủ cạnh tranh, các nhà cung ứng và các khách hàng vẫn là những vấn đề quan trọng trong nền kinh tế thông tin.
Thứ ba, những người đi tiên phong thường là những người tạo ra các chuẩn mực và kiến trúc của các hệ thống thông tin. Giống như một bài thơ nổi tiếng của Robert Frost đã ví von, trước một con đường chia ra thành nhiều con đường nhỏ dẫn lối vào rừng, một khi bạn đã chọn một con đường thì sẽ khó lòng quay trở về những con đường còn lại. Đôi khi, những công nghệ thô với chi phí thấp sẽ mở ra những con đường tắt giúp những kẻ đi sau vượt qua người tiên phong. Nhưng trong nhiều trường hợp, cách phát triển theo trình tự của hệ thống thông tin khiến cho người đi đầu vẫn có được nhiều thuận lợi nhất. Việc sử dụng tiếng Anh và hình thức các tên miền hàng đầu hiện nay trên internet là một ví dụ tiêu biểu. Một phần do sự biến chuyển của nền kinh tế Mỹ trong thập niên 1980, một phần khác do đầu tư vào việc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh lạnh, nước Mỹ thường xuyên là người đi tiên phong và tiếp tục là quốc gia đứng đầu trong việc ứng dụng các công nghệ thông tin đa dạng vào đời sống.
Thứ tư, như chúng ta đã thấy, sức mạnh quân sự vẫn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính yếu của quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, công nghệ thông tin cũng có những tác động đối với việc sử dụng vũ lực có lợi cho các nước nhỏ, trong khi một số tác động khác lại có lợi cho các cường quốc. Nhiều kỹ thuật quân sự tốn kém trước đây giờ được đưa ra khỏi kho và trở thành hàng hóa thương mại, điều này đem lại lợi ích cho các quốc gia nhỏ hơn, các chủ thể phi chính phủ, cũng như gia tăng mức độ dễ bị tổn thương của các nước lớn. Ví dụ, ngày nay bất cứ ai cũng có thể yêu cầu có được những tấm ảnh chụp từ vệ tinh với độ phân giải tới 1 mét về hoạt động diễn ra trên lãnh thổ các quốc gia khác với một mức phí không hề đắt từ các công ty thương mại. Các công ty thương mại và các cá nhân cũng có thể lên internet để thu thập các bức ảnh chụp từ vệ tinh, những thứ mà chỉ vài năm trước đây vốn là tư liệu thuộc diện tuyệt mật và tốn hàng tỷ đô la các chính phủ mới có được. Khi cảm thấy chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên một vài năm trước đây quá nguy hiểm, một nhóm phi chính phủ đã quyết định công bố các hình ảnh riêng thu được từ vệ tinh về các địa điểm phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Rõ ràng, các nước khác cũng sẽ có thể mua được những tấm hình tương tự về các căn cứ của Mỹ.
Các thiết bị định vị toàn cầu giúp cung cấp một cách chính xác các vị trí một thời vốn là tài sản của quân đội thì nay đã trở thành hàng hóa phổ biến tại các cửa hàng như hệ thống Wal-Mart. Hơn nữa, hệ thống thông tin cũng khiến cho các nước lớn bị đe dọa nhiều hơn khi bổ sung thêm các mục tiêu tấn công hấp dẫn cho các nhóm khủng bố (bao gồm cả những nhóm được hậu thuẫn bởi các quốc gia). Chúng ta có thể hình dung ra trong vòng 25 năm tới, một đối thủ nguy hiểm (chẳng hạn như một quốc gia nhỏ nhưng có công nghệ chiến tranh mạng) có thể quyết định tấn công nước Mỹ. Cũng có khả năng sẽ xảy ra các cuộc tấn công mạng của các cá nhân tự do.
Tuy nhiên, các xu hướng khác lại giúp củng cố quyền lực của những quốc gia vốn đã hùng mạnh. Công nghệ thông tin đã tạo ra một cuộc cách mạng về quân sự. Những bộ cảm biến được đặt trong không gian, các thiết bị thu phát trực tiếp, máy tính tốc độ cao, và các phần mềm phức tạp cho phép thu thập, phân loại, xử lý, truyền tải và phổ biến thông tin về những sự kiện phức tạp diễn ra trên một khu vực địa lý rộng lớn. Sự am hiểu về không gian chiến trường này kết hợp với việc định vị mục tiêu chính xác đang tạo ra một ưu thế vượt trội. Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh đã cho thấy những đánh giá truyền thống về cân bằng vũ khí như xe tăng hay máy bay đang trở nên không thích hợp, trừ khi chúng bao gồm cả đánh giá về khả năng kết hợp công nghệ thông tin với những vũ khí trên. Đó chính là sai lầm mà Saddam Hussein (cũng như những thành viên Quốc hội Mỹ năm 1990 dự đoán về tổn thất nặng nề của Mỹ) đã mắc phải. Rất nhiều công nghệ phù hợp đang được bày bán ở các thị trường thương mại và những nước yếu hơn có thể hy vọng mua được nhiều công nghệ như vậy từ thị trường đó. Tuy nhiên, điều mấu chốt ở đây không phải là việc sở hữu được những vũ khí hạng nặng hoặc các hệ thống quân sự tiên tiến mà là khả năng kết hợp các hệ thống lại với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh. Theo hướng này, nước Mỹ dường như vẫn đang duy trì vai trò dẫn đầu của mình. Trong một cuộc chiến tranh thông tin, chỉ cần một lợi thế nhỏ cũng có thể tạo ra những khác biệt lớn.
----- Hết -----
CHÚ THÍCH:
[1] Daniel Bell, The Coming of Post-Industrial Society: A Venture in Social Forecasting (New York: Basic Books, 1999), trang 94, 97.
[2] Pippa Norris, The Digital Divide: Civic Engagement, Information Poverty, and the Internet Worldwide (New York: Cambridge Unversity Press, 2001), trang 232.
[3] “Texan to Urge Limits on Non-OPEC Output,” The New York Times, 25/4/1988, t.3.
[4] Walter Laquer, “Left, Right, and Beyond: The Changing Face of Terror,” trong How Did This Happen? Terrorism and the New War, James F. Hogue và Gideon Rose, biên tập. (New York: Council on Foreign Relations, Public Affairs, 2001) trang 73.
------
Nguồn bài viết:
- Phần 1: http://nghiencuuquocte.org/2015/06/16/cach-mang-thong-tin-p1/
- Phần 2: http://nghiencuuquocte.org/2015/06/23/cach-mang-thong-tin-p2/
- Phần 3: http://nghiencuuquocte.org/2015/07/05/cach-mang-thong-tin-p3/
Toàn văn bài viết:
- Phần 1: https://lehonghiep.files.wordpress.com/2015/06/nghiencuuquocte-net-256-cach-mang-thong-tin-chu-the-xuyen-quoc-gia-va-phan-tan-quyen-luc-p1.pdf
- Phần 2: https://lehonghiep.files.wordpress.com/2015/06/nghiencuuquocte-net-257-cach-mang-thong-tin-chu-the-xuyen-quoc-gia-va-phan-tan-quyen-luc-p2.pdf
- Phần 3: https://lehonghiep.files.wordpress.com/2015/06/nghiencuuquocte-net-258-cach-mang-thong-tin-chu-the-xuyen-quoc-gia-va-phan-tan-quyen-luc-p3.pdf
***
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5


Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo